CHƯƠNG 6

Sức Mạnh Trong Đau Khổ

Người ta nhận thấy sự sẵn sàng tuân hành thánh ý Chúa ngay trên nét mặt Chị. Chị luôn duyên dáng và vui vẻ dễ thương, nên khi chưa đi sâu vào tâm hồn Chị, người ta có thể tưởng Chị theo một con đường thật êm đềm đầy an ủi.

Cám dỗ nghịch đức tin

Chị không hề nói với ai những thử thách lớn lao, những cám dỗ nghịch đức tin làm cho bầu trời tâm hồn Chị trở nên u ám suốt trong 18 tháng cuối đời Chị.
Chị chỉ nói cho tôi hay là Chị đã trình bày tất cả tâm hồn Chị cho cha Godefroy-Madeleine. Cha khuyên Chị nên chép Kinh Tin Kính và đeo Kinh đó trên ngực. Chị đã thi hành lời khuyên tức khắc và còn lấy cả máu đào để viết bản Kinh đó.

Có lẽ khi thổ lộ tâm tình với tôi, thì nỗi niềm đau khổ của Chị sẽ vơi bớt chăng. Nhưng Chị sợ tôi sẽ phải chia sẻ những nguy nan đó, nên chỉ muốn âm thầm chịu đựng một mình.

Khi tôi hỏi Chị về thử thách nội tâm thì Chị chỉ còn biết nhìn tôi với cặp mắt xa vời: “Nếu chị biết!… Ôi! Nếu chị chỉ trải qua 5 phút thôi những cám dỗ em phải chịu!”.

Có lúc nói về những chuyện không liên quan gì với vấn đề này, thì hình như
Chị để lộ những đau khổ bí mật đó. Chị áy náy nói với tôi: “Có Trời thật không chị?… Xin chị nói cho em về Nước Trời đi!…”. Tôi cố gắng kể cho Chị nghe những vẻ đẹp huyền diệu của Nước Trời và Thiên Chúa nhân lành. Tôi tha thiết thổ lộ những điểu đó với tất cả niềm tin tưởng mãnh liệt, nhưng than ôi! Lời lẽ của tôi không thấy một âm hưởng! Thỉnh thoảng Chị ngắt lời tôi với tiếng “A” rời rạc. Tôi phải đổi đề tài vì những chuyện tôi kể như lại làm Chị đau khổ quằn quại thêm! Trước cơn thử thách nặng nề của Chị lòng tôi không khỏi dâng lên niềm đau xót!

Trước những cố gắng vô hiệu của tôi, Chị Têrêsa bé nhỏ yêu quý nói với tôi là hãy cầu nguyện nhiều cho Chị. Riêng về thái độ bên ngoài thì Chị không để lộ một dấu gì khác thường cả. Chị đã thắng được cám dỗ nhờ luôn làm những tác động đức tin và nhờ sáng tác thơ văn, những vần thơ phản chiếu một tâm hồn chứa chan tình yêu. Giấc mộng đẹp và can đảm đích thực như thánh Gioan Thánh Giá, người cha của chúng tôi, Chị sống mà không hề dựa dẫm vào một điểm tựa nào cả. Ít là trong thực tế, tôi không được nếm những châm ngôn khổ hạnh đó, nên tôi rất ngạc nhiên trước những thay đổi dồn dập trong tâm hồn. Những thay đổi này là do giáo dục trong tu viện để cải hoá con người cũ nơi tôi, nhưng vì chưa quen, nên tôi hối tiếc những tâm tình sâu đậm, nồng nàn còn theo tình cảm ngày xưa.

Tôi bảo Chị: “Khi còn ở thế gian, em thấy mình say mê, tim đầy nhiệt huyết, thật táo bạo mạo hiểm! Vì vinh danh Chúa, em sẽ đi tới tận cùng trái đất, không hề sợ hãi thú dữ. Còn bây giờ, bao nhiêu cảm tình mãnh liệt đó tắt ngắm, em thấy mình không còn chút can đảm nào hết!…

- Đấy là tâm tình tuổi trẻ chị ạ: lòng can đảm thật không hệ tại ở sự hăng say nhất thời, muốn đi chinh phục các tâm hồn, sẵn sàng chịu mọi nguy hiểm, tưởng tượng như vậy, thật ra chỉ làm cho giấc mộng thêm huyền ảo thôi. Ta chỉ nên ước muốn điều đó trong khắc khoải lo âu, đồng thời thấy phải đẩy lui chúng chẳng khác gì như Chúa trong vườn Câu Dầu vậy”.

Thánh giá ngoài đời và thánh giá tu trì

Chị bảo tôi: Thường người đời cho rằng chúng ta chẳng phải chịu chút đau khổ nào cả, hay chỉ có những đau khổ trẻ con. Họ bảo ‘Phải’. Những thánh giá người đời phải chịu mới thật xứng danh là thánh giá!

Quả đúng ở ngoài đời có những thánh giá thật lớn lao, thật nặng nhọc… Còn thánh giá trong nhà tu chẳng khác gì những chiếc kim hằng ngày đâm vào người. Nên cuộc chiến đấu thuộc một địa hạt hoàn toàn khác biệt. Người nhà tu phải chiến đấu với bản thân, phải huỷ diệt chính mình. Chính trên địa hạt này mà chúng ta đạt những thắng lợi đích thực. Biết bao người giã từ cuộc đời để sống tu trì, xa lìa cha mẹ, con cái làm kẻ khác phải say mê đức can đảm cũng như con tim đầy chí khí của mình, thế mà nhiều lần lại thất đảm trước những thánh giá trong đời tu trì! Em thấy ngay trong nhà Kín này những tâm hồn bề ngoài có vẻ rất dũng mãnh lại thật dễ ngã quỵ trước những việc nhỏ mọn. Thành tích lớn lao nhất là chiến thắng chính mình, lời đó đúng biết bao!”.

Tôi trả lời Chị:

“Ồ! Biết từ bỏ trong những việc nhỏ mọn thật là điều khó khăn, chưa bao giờ em thực hiện được cả! Em quyết định những điều thật hay ho, thấy rõ mình làm gì, nhưng khi vừa gặp thử thách em lại buông xuôi! Thật quá sức em!

- Chị dễ lúng túng như vậy vì chị chưa chuẩn bị trước cho tâm hồn ra mềm
dịu. Khi bực tức với ai, cách thế tìm lại an bình là chị hãy cầu nguyện cho họ vì đã làm chị đau khổ. Có những tâm hồn tuy cố gắng nhiều, Chúa vốn để họ
những yếu đuối, vì nếu họ cảm thấy mình đầy nhân đức, nghĩa là họ tin rằng mình thánh thiện và người khác cũng nhận như vậy, thì thật là điều tai hại cho họ!”.

Về vấn đề chúng tôi sống đời tu kín, không có hành động tông đồ tích cực nào, thì Chị cho rằng điều cực nhọc đối với tính tự nhiên, là làm việc mà không bao giờ thấy kết quả do mồ hôi nước mắt đổ ra, đồng thời không được khích lệ, cũng không có gì để giải trí. Chị cũng quan niệm việc khó khăn nhất là làm thế nào để thắng được chính bản thân.

“… Việc con làm không ai biết đến”

Đây là một ví dụ về những “thánh giá” trong đời sống tu trì:

Trong thời gian ở nhà tập, tôi nhận công tác lo về tu phục, vải nệm và mền len, đồng thời thêm nhiệm vụ giúp kẻ liệt. Nhưng ngay từ buổi đầu, người ta đã bảo tôi làm những việc khác! Thế mà người ta lại chờ tôi để trao phó những công việc này.

Tôi phải vẽ một huy hiệu lên áo lễ, rồi chị em mang tới bao nhiêu là đồ lặt vặt để tôi sửa sang nhân dịp lễ Thánh Agnès, bổn mạng Mẹ Bề trên.
Vì chính chị trưởng nhóm bảo tôi làm những việc đó, nên tôi mau lẹ thi hành, nhưng thật ra tôi thích khâu vá hơn.

Sau đó, chị thấy công việc bị đình trệ, chị lại than trách! Điều này làm tôi rất buồn và tôi tâm sự với Têrêsa cho nguôi nỗi lòng.

Đêm Sinh Nhật, tôi thấy trong giấy một bài thơ Chị tặng tôi nhân danh Đức Trinh Nữ (lúc đó tôi mang tên là Marie de la Sainte Face - Maria Nhan Thánh).

Đây là một đoạn:

“Maria xin đừng áy náy

Về công chuyện hằng ngày,

Vì việc duy nhất con làm trên đời Chỉ là mến yêu.

Nếu có ai lên tiếng chê bai,

‘Việc con làm không ai biết đến’

Thì con đáp trả: Tôi yêu nhiều

Con làm dưới trần có bấy nhiêu’”.

Người em yêu quý của tôi đã tự ý sáng tác, không cần đợi tôi hỏi xin. Chị làm vậy có ý khuyến khích yên ủi tôi. Và Chị đã hoàn toàn thành công.